Chuyên mục
TỔN THƯƠNG ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY Ở TRẺ EM
TỔN THƯƠNG ĐÁM RỐI THẦN KINH CÁNH TAY Ở TRẺ EM
Đám rối cánh tay ở trẻ ở sơ sinh có thể bị tổn thương trong khi sinh khó (Sjoberg và cộng sự 1988), ví dụ, khi một lực kéo ở đầu khi vai bé bắt đầu ra được. Trẻ bị loại tổn thương này thường nặng cân khi sinh, đẻ ngôi mông, đầu ra sau. Lực kéo đặt lên đám rối có thể gây tổn thương cho rễ trên (C5 và 6), gây tổn thương kiểu rễ trên gọi là liệt kiểu Erb hay cho rễ dưới (C7,8,T1), gây liệt các cơ ở bàn tay gọi là liệt kiểu Klumpke (đọc: Cờ- lum-ki). Hiếm gặp hơn là khi tất cả các rễ đều bị tổn thương và cánh tay trẻ hoàn toàn rũ, đó là liệt kiểu Erb-Klumpke. Định khu chính xác tổn thương trên giải phẫu thường gặp khó khăn (Wickstrom 1962; Adler và Patterson 1967). Nhiều trẻ sơ sinh thể hiện liệt kiểu hỗn hợp giữa rễ trên và rễ dưới.
Kiểu tổn thương thì nhiều mức độ từ phù ở một hay hai rễ đến giật đứt hoàn toàn đám rối. Thần kinh mặt cũng có thể bị ảnh hưởng trong sang chấn gây liệt mặt nhẹ (Eng 1971; Davis và cộng sự 1978; Jackson và cộng sự 1988) và khuyết tật mang lại tổn thương đó có thể rất là nặng.
Bệnh lý
Đám rối thần kinh cánh tay
Hình 10.1
Hình 10.1 cho thấy sơ đồ tượng trưng cho đám rối thần kinh cánh tay. Bất kỳ lực nào làm thay đổi mối liên hệ giải phẫu giữa cổ, đai vai và cánh tay có thể là chấn thương tiềm ẩn đám rối thần kinh vốn bám vào cạnh sườn đầu tiên và vào mỏm quạ của xương bả vai. Động tác nghiêng bên của đầu với đai vai hạ xuống làm dãn các dây thần kinh, ép chúng vào cạnh sườn thứ nhất. Điều đó có thể gây chấn thương đám rối thần kinh rễ trên, trong khi đó đám rối thần kinh rễ dưới có thể bị tổn thương do dang vai quá mức có lực kéo ở tay, điều đó vừa kéo dãn vừa ép dây thần kinh vào dưới mỏm quạ (Shepherd 1992).
Một lực kéo dãn mạnh ở rễ thần kinh hay ở thân đám rối có thể gây ra tổn thương nhiều mức độ từ sưng phù bao thần kinh làm ngắt sự dẫn truyền thần kinh đến xuất huyết và để lại sẹo, cho đến hoàn toàn đứt sợi trục (Eng và cộng sự 1978). Điện thế kích hoạt cảm thụ bản thể vỏ não (Somatosensory cortical-evoked potentials) có thể được dùng trợ giúp cho chẩn đoán chấn thương kiểu xé rách rễ sau (Zverina and Kredba 1977; Landi và cộng sự 1980).
Các nghiên cứu điện cơ đồ hàng loạt giúp lần theo dấu vết tiến trình phục hồi. Đầu tiên có sự giảm hoạt động của các đơn vị vận động có chủ ý và giảm điện thế do đứt dây thần kinh. Sự tái kích hoạt được nhận ra bởi sự xuất hiện của các đơn vị vận động đa pha. Khi tiến trình lành thương tiến triển, số lượng đơn vị vận động ghi nhận được gia tăng, điện thế dây thần kinh bị đứt giảm và cuối cùng có sự kích thích trở lại của các dây thần kinh được kích thích bằng điện. Những thay đổi tái kích hoạt trong cơ được nhận ra nhờ sự vắng mặt hoạt động của các đơn vị vận động, có ít điện thế của dây thần kinh bị đứt và không có dẫn truyền (Eng 1971). Các nghiên cứu ở trẻ sơ sinh cho thấy các thay đổi do đứt dây thần kinh lúc sinh có thể gây khuyết tật trong những thay đổi trong sự tăng trưởng bình thường sẽ xảy ra sau sinh trong các thuộc tính co rút của cơ (Stefanova – Uzanova và cộng sự 1981).
Mô tả
Trẻ sơ sinh, ngay sau khi sinh, quan sát thấy nằm không đối xứng, với một tay bị liệt lủng lẳng một bên thay vì giữ tư thế gập trội của trẻ mới sinh. Ở kiểu liệt cánh tay trên, các cơ sau đây có thể bị ảnh hưởng: cơ trám, cơ nâng vai, cơ răng cưa trước, cơ đen ta, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ nhị đầu cánh tay, cơ cánh tay quay, cơ cánh tay, cơ ngửa và cơ duỗi cổ tay, các ngón và ngón cái dài (Hình 10.2). Ở cẳng tay, những cơ sau đây có thể bị ảnh hưởng: cơ duỗi cổ tay và các ngón và cơ nội tại lòng bàn tay.
Hình 10.2
Hình 10.2 Trẻ sơ sinh bị liệt tùng tay phải. Chú ý thấy cẳng tay quay sấp, cổ tay và các ngón gập.
Sự yếu hay liệt khiến cho các cơ hoạt động bù trừ sinh ra sự thực hiện động tác thích nghi, sự co rút các mô mềm và có khả năng xảy ra sự mất dùng do tập nhiễm. Sự thực hiện động tác như các hoạt động thăng bằng trong khi ngồi và thao tác bằng hai tay, cũng như các hoạt động của tay liệt bị ảnh hưởng.
Sự loạn vận động xảy ra là kết quả của sự kết hợp của sự liệt và yếu cơ, các hoạt động của cơ còn đầy đủ thần kinh chi phối không đi cùng hoạt động của cơ đối vận và mất cân bằng chức năng bắt nguồn từ những yếu tố đó. Khi trẻ sơ sinh cố với ra lấy đồ chơi, thì hành vi vận động thích nghi sẽ trở nên rõ ràng, hoạt động đó được thực hiện bằng cách tốt nhất có thể được trong tình trạng động học các liên kết cơ xương có sẵn và tình trạng của hệ cơ. (H. 10.3).
Hình 10.3
Hình 10.3 Chú ý thấy vận động thích nghi khi trẻ với tay ra lấy đồ chơi. Bé có cơ gập vai, xoay ngoài và cơ ngửa yếu. Việc dang vai tạo thuận cho trẻ với ra trước với cánh tay xoay trong và quay sấp.
Co rút mô mềm do sự bất động khớp và tư thế của chi. Cơ nối cánh tay với xương bả vai (dưới vai, tròn bé, lưng rộng) là những cơ có nguy cơ nhiều nhất bị co ngắn trong tổn thương kiểu cánh tay trên.
Mất cảm giác có thể xảy ra ở bờ ngoài của cánh tay nhưng thường ít hơn so với mất vận động. Nơi mất cảm giác hoàn toàn ở liệt nặng cả cánh tay, thì sẽ mất tất cả cảm giác – đau, nhiệt độ, sờ và bản thể.
Tiên lượng
Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ tổn thương ở đám rối. Thời gian để phục hồi mức tối đa dao động từ 1 đến 18 tháng. Sự tái kích hoạt không chắc sẽ xảy ra ở rách hoàn toàn sợi trục. Tuy nhiên, hầu hết các chấn thương ít nghiêm trọng và sau một phẫu thuật chỉnh nắn dây thần kinh không tổn thương bao Schwann, không tổn thương ống sợi trục hay tơ thần kinh, giảm phù và xuất huyết sẽ tự động dẫn đến phục hồi chức năng trong vòng một tháng. Nếu tổn thương là đứt sợi trục trong đó bao sợi trục bị ngắt nhưng sợi thần kinh vẫn còn nguyên, thì sự tái sinh sẽ xảy ra độ khoảng 1mm/ngày. Do đó, ở kiểu liệt cánh tay trên, sự tái kích hoạt có thể hoàn tất trong vòng 4-5 tháng, trong khi đó ở kiểu liệt cẳng tay dưới, phải mất tới 7-9 tháng.
Nếu có sự tách rời hoàn toàn sợi trục, thì sự mất cơ bắp sẽ thấy rõ hơn sau vài tuần. Nếu sự hồi phục không xảy ra, thì sự tăng trưởng bình thường sẽ không diễn ra, sẽ thấy chi nhỏ hơn chi lành khi trẻ lớn lên. Trẻ bị liệt hoàn toàn bị bỏ mặc với cánh tay mềm rũ mất cảm giác có thể bị trật khớp vai và hoàn toàn trở nên vô dụng. Trong trường hợp liệt cánh tay trên không thể phục hồi được, thì sẽ ấn tượng khi thấy trẻ thích nghi rất tốt trong việc sử dụng bả vai và cánh tay để bù trừ cho sự khiếm khuyết nếu liệt không nặng lắm. Nhiều trẻ liệt kiểu này cần có phẫu thuật khi trẻ lớn lên để cải thiện được chức năng. Sharrard (1971) và Zancolli (1981) mô tả những phẫu thuật có liên quan.
Lượng giá
Trẻ sơ sinh được gởi điều trị vật lý trị liệu càng sớm càng tốt khi tổn thương được nhận biết và chẩn đoán. Lượng giá được thực hiện khi trẻ không mặc áo và ở phòng ấm áp.
Động tác được thử bằng quan sát những cử động tự ý khi trẻ nằm ngửa và sấp, được bồng đi loanh quanh vỗ về và trò chuyện với em, và bằng cách quan sát hành vi vận động trong khi thử phản xạ và phản ứng (ví dụ, phản xạ Moro, phản ứng đặt bàn tay, phản xạ Galant, phản ứng chỉnh thế cổ, phản ứng nắm bàn tay) Sự quan sát sẽ cung cấp một số hoạt động của cơ có thể ghi nhận được thí dụ:
0 = vắng mặt
1 = có mặt nhưng không hết tầm
3 = có mặt suốt tầm vận động (Shepherd 1992).
Phản xạ Moro có thể bất đối xứng, với cánh tay dang không đủ, mặc dù khuỷu tay và các ngón có thể duỗi được. Phản xạ có thể xuất hiện ở kiểu liệt cánh tay trên nhưng không ở kiểu liệt cẳng tay. Việc gập ngón tay là bình thường đi cùng với gập khuỷu, do đó sự vắng mặt hoạt động của các cơ gập khuỷu sẽ làm sự cầm nắm của bàn tay yếu hơn ở bên tay liệt.
Thử phản xạ chỉnh thế cổ sẽ chỉ ra liệu trẻ có khả năng nào trong việc dang và gập vai không.
Điện cơ đồ được cho là một phương pháp hữu ích để xác định phạm vi và độ nặng của tổn thương và cung cấp thông tin có liên quan đến những kết quả tiềm năng sẽ thu được (Eng 1971). Điện cơ đồ cũng là công cụ hữu ích cho nhà vật lý trị liệu vì những dấu hiệu phục hồi trên điện cơ đồ luôn luôn biểu hiện ra chức năng trên lâm sàng sau vài tuần. Sự xuất hiện của những dấu hiệu này có thể theo sau đợt tập luyện cường độ cao để kích hoạt hoạt động ở những cơ đang phục hồi. Hầu như chắc chắn rằng sự luyện tập đặc thù theo các động tác của cánh tay ở thời điểm phục hồi này có thể là cốt yếu để tối đa hóa khả năng phục hồi chức năng và thần kinh của trẻ. Do đó, điện cơ đồ nên được sử dụng rộng rãi hơn hiện nay để hướng dẫn chương trình tập luyện vận động.
Nhà vật lý trị liệu tốt hơn là thực hiện sự lượng giá khoảng 1 giờ sau khi cho ăn, khi trẻ tỉnh táo và năng động.
Tầm vận động khớp được thực hiện bằng cách di chuyển toàn bộ cánh tay suốt tầm độ dang, nâng vai, gập, duỗi và quay, và thực hiện riêng rẽ ở mỗi khớp trong tầm vận động của khớp đó. Nên lưu ý tập di chuyển thụ động chi thể để tránh cho các mô mềm có liên quan bị kéo dãn quá mức quanh khớp ổ chảo cánh tay. Khi kiểm tra tầm vận động khớp, động tác của xương vai phải được chú ý vì những cơ bị co ngắn nối xương bả vai vào với xương cánh tay (ví dụ cơ dưới vai) làm xương vai bị kéo vào về phía lồng ngực nhiều hơn bình thường khi cánh tay gập hoặc dang.
Phương pháp điều trị
Cánh tay của trẻ được nghỉ trong từ 1-2 tuần sau khi sinh để cho phép giải quyết xong xuất huyết và phù.
Những mục tiêu chính của vật lý trị liệu là đảm bảo tình trạng tối ưu cho sự phục hồi của chức năng vận động, để tạo điều kiện môi trường cần thiết cho các cơ hoạt động trở lại ngay khi sự tái kích hoạt thần kinh đã xảy ra và để huấn luyện kiểm soát vận động bằng tập luyện các hoạt động như với ra để nắm lấy (Shepherd 1992).
Đảm bảo tình trạng tối ưu cho sự phục hồi chức năng bao gồm ngăn ngừa co rút mô mềm và biến dạng xương; ngăn ngừa hành vi vận động thích nghi; và ngăn ngừa sự quên nhãng chi liệt.
Để đảm bảo rằng tiềm năng phục hồi chức năng tối đa sẽ theo sau sự tái kích hoạt thần kinh thì việc huấn luyện vận động các động tác đặc thù phải được nhà vật lý trị liệu và phụ huynh tích cực theo đuổi ngay khi các cơ được tái phân bố thần kinh và có thể co. Nếu sự phục hồi không xảy ra, mục tiêu của vật lý trị liệu sẽ trở thành mục tiêu huấn luyện chức năng tối ưu sau vi phẫu sửa chữa các dây thần kinh (Boome và Kaye 1988) hoặc phẫu thuật chỉnh hình để chuyển đổi cơ hay hàn khớp.
Các động tác thụ động thông thường được khuyên tập như một phương pháp ngăn ngừa sự co rút mô mềm, đặc biệt là ngừa sự kết dính xương cánh tay- vai (H.10.4). Cha mẹ nên được cảnh báo cẩn thận không được kéo dãn quá mức mô mềm đặc biệt là quanh khớp vai và, trong trường hợp liệt kiểu toàn bộ cánh tay, phải lưu ý không được di chuyển khớp vai quá tầm độ vừa phải của tầm bình thường do có nguy cơ trật khớp ổ chảo cánh tay. Người ta nói rằng thao tác bằng tay mạnh bạo trên cánh tay được cho là một trong những nguy cơ góp phần làm sự thay đổi giải phẫu khớp ổ chảo cánh tay sau một tổn thương đám rối thần kinh cánh tay (Zancolli 1981). Không được giữ xương vai lại sau khi cánh tay đã di chuyển qua 30 độ đầu tiên, vì chuyển động của cánh tay mà không xoay xương vai sẽ làm cánh tay va chạm vào mỏm quạ.
Hình 10.4
Hình 10.4 Nằm nghiêng, thực hiện nhẹ nhàng kéo dãn các cơ áp và duỗi vai để duy trì độ dãn của các cơ này.
Việc mang nẹp để ngăn ngừa mô mềm bị co ngắn thì vẫn còn gây tranh cãi, mặc dù có chứng cớ mạnh mẽ cho rằng việc mang nẹp dang dẫn đến cơ động quá mức ở khớp ổ chảo cánh tay và có thể dẫn đến tổn thương khớp và trật khớp (Eng và cộng sự 1978). Sever, năm 1925, sau quan sát 1100 trẻ, đã báo cáo rằng việc mang nẹp cho thấy làm chậm lại sự hồi phục. Co rút dang/xoay ngoài được phát hiện thấy xảy ra ở trẻ bị nẹp mà không được tiếp cận vật lý trị liệu.
Huấn luyện vận động theo những huấn luyện đã được mô tả ở chương 3 và trong sách của Shepherd (1992), và nên được bắt đầu trong vòng tháng đầu đời. Mặc dù không có hoạt động ở các cơ bị mất phân bố thần kinh tại thời điểm này, nhưng việc tập luyện sớm có thể nhằm kích thích hoạt động của các cơ chỉ bị mất phân bố tạm thời và để giảm thiểu sự co rút mô mềm và bị sao nhãng. Hơn nữa, huấn luyện sớm thiết lập một mẫu thái độ thường trực ở cha mẹ, làm yên tâm rằng các cơ sẽ được kích thích để co đối với hoạt động vận động phù hợp ngay khi sự tái kích hoạt thần kinh xảy ra.
Sự huấn luyện vận động nên được hướng theo đặc thù hoạt động lứa tuổi nhấn mạnh đặc biệt vào việc với chạm tay và cuối cùng là nắm và thao tác các vật khác nhau. Những hoạt động của trẻ được giám sát, sử dụng tay để hướng dẫn (H. 10.5) và phản hồi bằng lời để đảm bảo trẻ vận cơ thích hợp với đòi hỏi của hành động.
Hình 10.5
Hình 10.5 Các vật được đưa cho bé để khuyến khích bé quay ngửa
Nên nhấn mạnh vào sự vận cơ dang, gập và xoay ngoài vai, là những động tác chính để với sang bên hoặc ra trước; cơ ngửa cẳng tay; cơ duỗi cổ tay; và cơ dang ngón cái. Những cơ này không được tập luyện riêng biệt mà được khuyến khích hoạt động như một phần của tổng hợp lực cần thiết để thực hiện một hoạt động đặc thù. Các tác vụ và vật được chọn tùy theo bản chất của chúng thúc đẩy được hành động được yêu cầu (H.10.6)
Hình 10.6
Hình 10.6 Các hoạt động dùng hai tay huấn luyện sự phối hợp giữa hai chi và nếu được sắp xếp cẩn thận, sẽ tối ưu hóa được sự hoạt động của cơ yếu.
Việc huấn luyện phải được thực hiện trong những điều kiện tối ưu đối với các cơ yếu, có nghĩa là, tính đến đòn bẩy, sự thẳng trục của các phân đoạn và sức nặng của cánh tay được nhấc lên, cố gắng kích hoạt hoạt động co cơ ly tâm nếu các hoạt động co cơ hướng tâm khó khăn. Tác vụ có thể phải được cải tạo để có thể đạt được. Ví dụ, cơ đen ta có thể không đủ mạnh để nhấc được cánh tay hết tầm vào vị thế thẳng đứng nhưng có khả năng giữ cánh tay và hạ xuống vài độ nếu cánh tay đang giữ thẳng đứng rồi (H. 10.7).
Hình 10.7
Hình 10.7 Gậy dùng để tạo phản hồi về việc quay ngửa và sấp. Trẻ được khuyến khích với ra vào vị thế này.
Có thể chơi các trò chơi đặc thù với trẻ sơ sinh nhiều tháng tuổi với mục đích là cải thiện nhận thức cảm giác của chi liệt. Các trò chơi như tìm một vật cụ thể trong cát, định vị chỗ được chạm, nhận biết và gọi tên những vật thông dụng trong khi bị bịt mắt là một số ví dụ.
Việc tập luyện nên được tiếp tục cho đến khi nào mà sự phục hồi vẫn còn xảy ra. Gatcheva (1979) đã báo cáo những bằng chứng điện cơ đồ về sự tái phân bố thần kinh và sự dẫn truyền trở lại của thần kinh trong 6-8 năm sau chấn thương đám rối thần kinh cánh tay và đề xuất rằng điều quan trọng là tiếp tục sự phục hồi chức năng trong nhiều năm. Có lẽ việc giám sát phục hồi bằng điện cơ đồ là được khuyên dùng, dùng nó như một hướng dẫn xem liệu có nên tiếp tục tập luyện hay không.
Chi bị sao nhãng hay bị liệt có thể góp phần vào thất bại của sự phục hồi của chức năng các cơ bắp khi mà sự tái kích hoạt thần kinh đã xảy ra. Đã có nhiều báo cáo về trẻ sơ sinh mà chức năng cơ bắp quay trở lại hoạt động tốt mặc dù những trẻ này đã không dùng đến cánh tay liệt đó (Eng 1971; Rose 1979). Sự sao nhãng này đã góp phần vào sự kém phát triển của ‘sự điều hợp hoạt động theo mẫu ’ (Wickstrom 1962) và góp phần vào sự thất bại trong phát triển mẫu vận động bình thường (Zalis và cộng sự 1965). Taub (1980) đã mô tả một hành vi gọi là ‘mất dùng qua tập nhiễm’ được quan sát thấy ở khỉ sau một vụ chặn xung động thần kinh đi tới chi trên, mà ông coi là tiên phát do hiện tượng tập nhiễm. Các con khỉ học cách không sử dụng tay liệt khi chúng có thể thực hiện được các hoạt động chúng muốn bằng tay còn lại mà ít muốn dùng đến tay liệt. Về sự tương quan của chấn thương đám rối thần kinh cánh tay là chi mất dùng do thói quen sẽ vẫn duy trì như thế thậm chí khi chi này đã có tiềm năng sử dụng được thì con vật dường như vẫn không nhận ra điều đó. Những khám phá tương tự đã được báo cáo đây đó (Yu 1976). Thú vị ở chỗ, trong nghiên cứu này, sự kết hợp giữa ràng buộc chi trên lành và huấn luyện đặc thù cho chi liệt đã cho thấy có kết quả tiến bộ về chức năng ở chi liệt. Một nghiên cứu ở hai trẻ em liệt bán thân (Schwartzman 1974) ứng dụng sự ràng buộc chi lành suốt giai đoạn sớm của các đợt huấn luyện trong thời gian ngắn nội trong ngày. Sau 6 tháng huấn luyện cả hai trẻ đã có thể sử dụng tay được huấn luyện trước đó của nó.
Bởi vì hiện tượng mất dùng do tập nhiễm có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, nên có lẽ chương trình huấn luyện vận động nên kết hợp với các giai đoạn ràng buộc chi lành. Sự ràng buộc có thể thực hiện bằng cách giữ tay lành bên trong áo trẻ, hoặc bằng cách buộc lỏng vào cạnh sườn, hoặc bố trí môi trường để cho trẻ chỉ có thể với tay ra bằng chi liệt đến một vật trẻ muốn. (H. 10.8; xem H.3.26a). Điều quan trọng là sự ràng buộc phải đi liền với sự huấn luyện chi liệt và sự huấn luyện này được tiếp nối bằng những hoạt động thao tác bằng hai tay vì có một số động tác chi liệt cần thực hiện được bằng những động tác hai tay đó.
Hình 10.8
Hình 10.8 Tay lành có thể bị ràng buộc trong khi trẻ tập với ra bằng tay liệt.
Liệu pháp phản hồi sinh học, mặc dù không thường được dùng ở trẻ em, nhưng nó là một công cụ huấn luyện tiềm năng và làm mạnh thêm hành vi vận động cần đạt. Các dụng cụ tuy chưa được phát triển nhưng có thể sử dụng để huấn luyện sự kiểm soát chi trên bằng cách cung cấp một sự giải trí khó mà cưỡng lại được đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những dụng cụ như thế có thể bật hoặc tắt khi có cử động tại khớp hoặc có cơ co.
Kích thích điện là biện pháp vẫn còn gây tranh cãi và hiệu quả của nó vẫn chưa được thử nghiệm đầy đủ. Người ta đề xuất rằng kích thích các cơ bị mất phân bố thần kinh ngăn ngừa được sự teo cơ (Eng 1971); Liberson và Terzis 1987). Có lẽ kích thích điện nên được dùng nhiều quãng thời gian kéo dài hơn và với những dụng cụ khác nữa hơn là những dụng cụ trên lâm sàng hiện nay, và nó nên được dùng theo định hướng chức năng và kết hợp với huấn luyện chủ động cho tay liệt.
Chỉnh cụ
Nẹp hay dây đai được dùng để ngăn ngừa sự hoạt động quá mức của cơ đối vận, và có thể cũng buộc cơ yếu phải co (Perry và cộng sự 1974; Draznin và cộng sự 1984). Có thể cho mang một cái nẹp nhỏ, nhẹ một phần thời gian trong ngày. Ví dụ, một cái nẹp nhựa đúc có thể được dùng để giữ ngón cái thành dang, hoặc một cái nẹp cổ tay để khuyến khích hoạt động của các cơ duỗi cổ tay ở chiều dài thường dùng để cầm nắm vật. Nẹp động (dynamic splinting) cũng có thể là hữu ích (Eng 1971).
Tóm tắt
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay khi sinh gây liệt hay yếu cơ chi trên và mất cảm giác, theo sau đó là những thay đổi trong thần kinh giao cảm, co rút mô mềm và biến dạng chi. Do đó, trẻ sơ sinh, bị mất chức năng đáng kể thì có khó khăn khi với tay ra và trong việc sử dụng tay liệt và khiếm khuyết trong các hoạt động dùng hai tay. Tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tổn thương, và tiên lượng rất xấu đối với những tổn thương nặng. Tuy nhiên, tiềm năng phục hồi cũng bị ảnh hưởng bởi sự phát sinh sự mất dùng do tập nhiễm của chi liệt và co rút mô mềm, và bản chất cũng như cường độ tập luyện của sự phục hồi chức năng. Vai trò của nhà vật lý trị liệu trong việc phát triển một chương trình cho cha mẹ được tham dự vào các phương pháp kích thích hoạt động của cơ, ngăn ngừa co rút mô mềm, ngăn ngừa sự mất dùng do tập nhiễm và huấn luyện sự với tay ra cũng như việc sử dụng bàn tay theo chức năng khi có sự tái phân bố thần kinh.